Viêm xoang: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Tổng quan bệnh Viêm xoang

Bệnh viêm xoang hay còn gọi chung là viêm mũi xoang là bệnh lý khá phổ biến gặp ở mọi lứa tuổi ở Việt Nam. Viêm xoang là tình trạng viêm niêm mạc hô hấp lót trong các xoang cạnh mũi. Đây là tình trạng phù nề gây tăng tiết nhầy ở niêm mạc các xoang do một vài tác nhân nào đó gây tắc nghẽn xoang. Nếu bệnh diễn ra trong thời gian ngắn sau đó khỏi dưới 4 tuần gọi là viêm xoang cấp tính. Nếu bệnh không được điều trị đúng cách, dẫn đến dai dẳng kéo dài trên 3 tháng gọi là viêm xoang mạn tính.

Nguyên nhân bệnh Viêm xoang

Có rất nhiều nguyên nhân gây viêm xoang. Thường gặp nhất là các nguyên nhân do nhiễm virus, vi khuẩn làm tổn thương tế bào lông chuyển ở lớp niêm mạc xoang gây viêm mũi xoang cấp tính.  Ngoài ra một số yếu tố gây dị ứng như thời tiết lạnh, phấn hoa, môi trường khói bụi cũng là các nguyên nhân khiến cho các cơ địa mẫn cảm dễ bị viêm xoang tái phát nếu không loại được các yếu tố trên ra khỏi môi trường sống. Còn một tỷ lệ hiếm gặp là bất thường giải phẫu mũi xoang như lệch vách ngăn mũi, polyp mũi, phì đại cuốn mũi dẫn đến lưu thông mũi xoang kém mà gây viêm xoang.

Triệu chứng bệnh Viêm xoang

Triệu chứng của bệnh viêm xoang thường bắt đầu bằng việc người bệnh có thể hắt hơi, sổ mũi như một nhiễm cúm thông thường. Sau đó thường xuất hiện hai triệu chứng là nghẹt mũi và chảy nước mũi, dịch tiết ở nước mũi có thể trong hoặc màu vàng xanh. Triệu chứng của bệnh viêm xoang nặng là người bệnh có thể sốt, ho, nặng mặt, đau nhức đầu vùng trán, thái dương hoặc gò má, giảm khả năng cảm nhận mùi, thậm chí không ngửi thấy mùi.

Đường lây truyền bệnh Viêm xoang

Có thể tiếp xúc qua đường hô hấp nhiễm phải các nguyên nhân gây bệnh như đã kể ở trên.

Phòng ngừa bệnh Viêm xoang

Tránh các tác nhân gây bệnh là biện pháp phòng ngừa phổ biến. Giữ gìn vệ sinh mũi họng để tránh bị viêm mũi, viêm họng dẫn đến viêm xoang. Ngoài ra cần phải giữ gìn môi trường sống sạch sẽ, giảm khói, bụi ô nhiễm cũng như các biện pháp hạn chế tiếp xúc với các yếu tố gây dị ứng sẽ giảm tình trạng viêm xoang. http://google.gl/url?q=https://tuthuoc24h.net/Người bị viêm xoang mạn tính cần phải giữ ấm vùng mũi họng thường xuyên khi gặp thời tiết lạnh để tránh đợt viêm cấp.

Các biện pháp chẩn đoán bệnh Viêm xoang

Nội soi tai mũi họng là phương pháp sử dụng thường xuyên để chẩn đoán viêm xoang. Khi soi sẽ thấy dịch vàng xanh chảy ra từ các khe mũi xoang, niêm mạc xung quanh các khe đó phù nề, viêm đỏ, xuất tiết.

Trong một vài trường hợp khó chẩn đoán hoặc cần phải khảo sát trước khi phẫu thuật, chụp cắt lớp vi tính được chỉ định. Trên phim cắt lớp sẽ thấy được dịch trong các hốc xoang mà bình thường hốc xoang chỉ có khí, hay hình ảnh phù nề của niêm mạc khe mũi xoang. Chụp cắt lớp vi tính còn có ưu điểm phát hiện được bất thường giải phẫu vùng mũi xoang cũng là nhóm nguyên nhân có thể gây ra tình trạng viêm xoang.

Các biện pháp điều trị bệnh Viêm xoang

Tại sao bệnh viêm xoang khó chữa? Khi bệnh viêm xoang cấp tính không được điều trị triệt để sẽ trở thành viêm xoang mạn tính, tái đi tái lại nhiều lần. Và các yếu tố dị ứng nếu vẫn tồn tại trong môi trường sống của người bệnh thì bệnh lý viêm xoang cũng rất khó kiểm soát.

Điều trị nội khoa

Đa phần vẫn là điều trị chủ đạo trong các trường hợp viêm xoang cấp tính. Các thuốc kháng sinh chống viêm, thuốc chống dị ứng, thuốc co mạch chống xuất tiết phải được sử dụng hợp lý dưới sự hướng dẫn của các bác sỹ chuyên khoa tai mũi họng. Nếu không sẽ dẫn đến tình trạng kháng thuốc kháng sinh, dẫn đến viêm xoang mạn tính. Trong trường hợp người bệnh phải rửa xoang, bơm thuốc vào để điều trị thì cần phải đến cơ sở y tế uy tín tránh những biến chứng không đáng có. Ngoài ra người bệnh phải tuân thủ các nguyên tắc điều trị cũng như phòng bệnh.

Phẫu thuật chữa viêm xoang

Được chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Điều trị nội khoa không hiệu quả, kéo dài viêm xoang dai dẳng nhiều năm.
  • Viêm xoang đã có các biến chứng như viêm ổ mắt, chèn vào dây thần kinh thị giác.
  • Có các bất thường về giải phẫu vùng mũi xoang như lệch vách ngăn mũi, polyp quá to thì phải phẫu thuật để giải quyết căn nguyên.

Các thuốc dùng điều trị viêm xoang

Bạn không được tự ý sử dụng bất cứ loại thuốc nào, mà hãy tuân theo chỉ định của bác sĩ khám bệnh cho bạn.

Để điều trị viêm xoang, ngoài các biện pháp để làm giảm bớt triệu chứng đã kể ở trên, các bác sĩ có thể dùng các thuốc để điều trị cho bạn. Do những tác nhân lạ kích thích tạo ra nhiều phản ứng khác nhau nên cũng có nhiều cách điều trị khác nhau có thể trị được những triệu chứng viêm. Tùy thuộc vào nguyên nhân và tình trạng viêm xoang của bệnh nhân, bác sĩ có thể sử dụng các thuốc sau để điều trị:

Thuốc thông mũi có thể giúp làm giảm bít tắc đường thở và đóng vai trò quan trọng trong bước đầu điều trị để làm giảm triệu chứng

Thuốc xịt mũi: bao gồm các thuốc pseudophedrine, phenylephrine, naphazoline, chlorzoxazone cho tác dụng nhanh nhất, trong vòng 1 đến 3 phút. Những thuốc này không nên dùng quá 3 ngày vì chúng sẽ trở nên ít hiệu quả hơn và cần phải dùng một lượng lớn hơn để cho hiệu quả tương tự. Có thể hạn chế hiện tượng nhờn thuốc này bằng cách giảm tần số dùng thuốc xuống. Một số người sử dụng thuốc xịt mũi một cách quá mức và trở nên phụ thuộc vào thuốc để có thể thở được bình thường và cần phải có một chương trình cai nghiện một cách khó khăn bao gồm sử dụng thuốc uống, thuốc xịt mũi steroid, corticoid hệ thống hoặc kết hợp những thứ trên.

Thuốc thông mũi đường uống (dạng viên hoặc lỏng) chứa những hoạt chất giả ephedrine hoặc phenylephrine. Hầu hết các dạng thuốc thông mũi đều cho những kết quả tương tự nhau. Thường thì thuốc thông mũi đường uống đạt được hiệu quả trong vòng 30 đến 60 phút. Cũng giống như thuốc dạng xịt, thuốc thông mũi đường uống có thể trở nên kém hiệu quả hơn nếu dùng lâu dài. Hiện tượng nhờn thuốc có xảy ra nhưng không nhiều bằng thuốc dạng xịt.

Cả thuốc dùng cho đường uống và đường xịt đều có tác dụng phụ, bao gồm những kích thích toàn thể gây tăng nhịp tim và huyết áp, mất ngủ, căng thẳng thần kinh, lo âu, run giật, khô miệng, nhìn mờ và nhức đầu. Chúng cũng có thể gây bí tiểu. Do đó những người trước đây đã từng bị bệnh tim mạch, tăng huyết áp, lo âu, hoặc bệnh lý đường niệu (đặc biệt là bệnh lý ở tiền liệt tuyến) nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc. Ngoài ra, phối hợp thuốc thông mũi với những loại thuốc khác có tác dụng phụ tương tự có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm.

Điều trị viêm xoang do nhiễm trùng:

Mục tiêu chính của điều trị là quét sạch vi trùng ra khỏi xoang bằng kháng sinh giúp ngăn ngừa biến chứng, làm giảm triệu chứng và giảm nguy cơ bị viêm xoang mạn tính.

Trong những trường hợp viêm xoang cấp tính và chưa có biến chứng, có thể dùng penicillin tổng hợp như amoxicillin. Loại kháng sinh này cho hiệu quả tốt đối với những vi khuẩn thông thường và tương đối rẻ. Tác dụng phụ thường gặp của amoxicillin bao gồm phản ứng dị ứng (sưng họng, phát ban) và khó chịu ở dạ dày.

Những người dị ứng với penicillin có thể dùng kháng sinh có chứa sulfur có tên là trimethoprim/sulfamethoxazole hoặc TMP/SMX (như bactrim, cotrim hoặc septra). Loại thuốc này không được dùng với những người dị ứng với sulfur.

Những nguời đã được điều trị viêm xoang cấp vài lần hoặc những người bị viêm xoang mạn có thể đề kháng với amoxicillin và TMP/SMX. Những loại penicillin tổng hợp mới và cephalosporin có thể tiêu diệt hầu hết những vi khuẩn kháng thuốc gây viêm xoang.

Dùng quá mức những kháng sinh thuộc phổ rộng này có thể dẫn đến việc tạo ra những vi khuẩn đề kháng với những loại kháng sinh có hiệu lực nhất đang được dùng hiện thời. Do đó, những kháng sinh như amoxicillin nên được dùng đầu tiên trong vòng 14 - 21 ngày. Quy luật cơ bản là dùng kháng sinh cho đến khi triệu chứng biến mất rồi tiếp tục dùng trong 1 tuần sau đó.

Tăng dẫn lưu: những loại thuốc dùng tại nhà có khả năng làm thông và ẩm các xoang nhờ đó có thể tăng dẫn lưu.

Nếu những dị nguyên từ môi trường là tác nhân gây viêm xoang, có thể cho kháng histamin để giảm phù nề niêm mạc xoang. Các dị nguyên kích thích các bạch cầu trong máu và mô phóng thích histamin vào máu làm cho dịch len ra khỏi mạch máu đi vào mô của hốc mũi gây nghẹt mũi.

Một số loại kháng histamin thông dụng có tác dụng an thần hiện nay không còn được khuyên dùng nữa vì chúng có khuynh hướng làm khô và tăng độ đặc của đờm làm cho quá trình dẫn lưu khó khăn hơn.

Những thuốc kháng histamin không có tác dụng an thần như fexofenadine, loratadine, hoặc desloratadine không làm khô niêm mạc. Nếu bị nghẹt mũi nặng, có thể cho thêm thuốc thông mũi như allegra-D hoặc claritin-D.

Giữ thông xoang

Để điều trị viêm xoang cấp, có thể cần dùng một hay nhiều loại thuốc. Đối với viêm xoang cấp tái hồi hoặc viêm xoang mạn tính, có thể thêm thuốc corticoid xịt mũi để làm giảm triệu chứng. Những thuốc thường được các bác sĩ kê toa là beclomethasone, fluticasone, triamcinolone...

Corticoid là chất ức chế quá trình viêm. Corticoid xịt mũi tác động trực tiếp lên lớp niêm mạc ở hốc mũi và xoang và tác dụng rất ít lên phần còn lại của cơ thể khi được dùng với liều cho phép. Cũng như những loại thuốc khác, corticoid xịt mũi cũng có nhiều dạng. Một số dạng dễ dung nạp hơn những dạng còn lại. Muốn sử dụng thuốc bạn cần phải có toa bác sĩ. Những loại thuốc này không làm giảm triệu chứng ngay lập tức như thuốc thông mũi nhưng một khi đã đạt được liều điều trị thì triệu chứng thường sẽ được cải thiện và có thể sẽ không cần phải sử dụng thuốc thông mũi nữa. Trong những tháng mà những yếu tố dị nguyên từ môi trường xuất hiện nhiều, sử dụng corticoid xịt mũi sớm có thể giúp ngăn ngừa viêm xoang và giữ cho các xoang được thông và dẫn lưu tốt.

Một số bệnh nhân bị viêm xoang mạn không đáp ứng với điều trị nội khoa bằng kháng sinh và các loại thuốc làm giảm triệu chứng. Những người này khi có CT scan thể hiện một tình trạng viêm xoang cũng như bất kỳ biến chứng nào của viêm xoang cũng đều có thể điều trị được bằng phẫu thuật.